Hiện nay, mới chỉ có 153/1.500 cơ sở khám, chữa bệnh công lập và tư nhân trên cả nước công bố triển khai thành công hồ sơ bệnh án điện tử. Đến 30/9 tới, các bệnh viện trên toàn quốc phải hoàn thành nhiệm vụ này.
Nhiều cơ sở khám, chữa bệnh đã trang bị máy tính cho 100% thầy thuốc, nhân viên có nhu cầu – Ảnh: VGP/HM
Mới đây, ngày 14/3, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 07/CT-TTg về đẩy mạnh triển khai đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2025 và những năm tiếp theo.
Trong đó, Thủ tướng giao Bộ Y tế chỉ đạo, đôn đốc 100% các bệnh viện trên toàn quốc phải triển khai bệnh án điện tử; liên thông dữ liệu giữa các bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh của địa phương với các bệnh viện thuộc Bộ Y tế, tận dụng dữ liệu đã được liên thông, liên tuyến để cắt giảm xét nghiệm cho người dân, hoàn thành trong tháng 9/2025.
Liên quan đến nội dung này cũng như góp phần hỗ trợ các cơ sở khám, chữa bệnh nhận diện bao quát các thách thức trong quá trình triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, nhằm tăng tốc thực hiện và hoàn thành với hiệu quả cao nhất từ nay đến tháng 9/2025, phóng viên Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với TTND.PGS.TS Trần Quý Tường, Chủ tịch Hội Tin học Y tế Việt Nam.
Hạn đến tháng 30/9/2025 là có cơ sở
Thưa ông, với nhiều năm quản lý và theo dõi tiến trình ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin trong ngành y tế, xin ông cho biết tình hình triển khai bệnh án điện tử ở nước ta hiện nay như thế nào?
PGS.TS Trần Quý Tường:
Với sự quan tâm, chỉ đạo và hỗ trợ của Chính phủ, cùng với sự nỗ lực cố gắng của toàn ngành Y tế, sự hợp tác, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho người dân và việc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử (EMR) tại các cơ sở khám, chữa bệnh ở Việt Nam đã và đang từng bước phát triển, bước đầu đạt được một số thành quả rất đáng khích lệ.
Cụ thể, về kiến tạo thể chế, xây dựng hành lang pháp lý ứng dụng CNTT y tế và triển khai EMR, Bộ Y tế đã ban hành các văn bản có ý nghĩa thực tiễn, có tính đột phá như: Thông tư số 46/2018/TT-BYT quy định về bệnh án điện tử; Thông tư số 27/2021/TT-BYT quy định kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử…
PGS Trần Quý Tường cho biết, chúng ta đã có đủ cơ sở pháp lý để triển khai EMR và EMR có giá trị pháp lý như hồ sơ bệnh án giấy
Hiện nay, theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh, Luật Giao dịch điện tử và các văn bản pháp lý có liên quan, chúng ta đã có đủ cơ sở pháp lý để triển khai EMR và EMR có giá trị pháp lý như hồ sơ bệnh án giấy.
Nhận thức về ứng dụng CNTT, chuyển đổi số y tế và hồ sơ bệnh án điện tử của cán bộ, nhân viên trong ngành cũng được nâng cao. Nhiều địa phương, đơn vị cũng đã tích cực, chủ động huy động, bố trí nguồn lực cho chuyển đổi số y tế và triển khai EMR, như Sở Y tế Phú Thọ, Sở Y tế Quảng Ninh, Sở Y tế Hà Nội…
Nhiều cơ sở khám, chữa bệnh đã trang bị máy tính cho 100% thầy thuốc, nhân viên có nhu cầu và trang bị hệ thống mạng không dây miễn phí cho người bệnh, người nhà. Đặc biệt, đã có 39,1% các cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc đã triển khai hệ thống an toàn, an ninh mạng.
Đến nay, tất cả 63 Sở Y tế đã tiến hành nhập hồ sơ, thông tin cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, thông tin người hành nghề trên Hệ thống quản lý Quốc gia về đăng ký, cấp phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; 100% các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc (bao gồm cả công lập và tư nhân) đã triển khai ứng dụng CNTT, có phần mềm quản lý thông tin bệnh viện (HIS).
Có 62,16% các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã có bộ phận chuyên trách CNTT riêng, trong đó có 95% các bệnh viện hạng I và hạng đặc biệt đã thành lập phòng công nghệ thông tin, các đơn vị khác đã có bộ phận, cán bộ chuyên trách CNTT.
Trung bình trên cả nước, mỗi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có 3,15 nhân viên chuyên trách, 46,5% bệnh viện triển khai đặt lịch khám trực tuyến, 61,1% bệnh viện triển khai lấy số xếp hàng.
Đặc biệt, các bệnh viện đã kết nối phần mềm quản lý thông tin của bệnh viện (HIS) với cơ quan bảo hiểm xã hội Việt Nam đạt 100% để thực hiện việc giám định bảo hiểm y tế điện tử.
Tính đến tuần đầu của tháng 4/2025, trên toàn quốc đã có 153 cơ sở khám, chữa bệnh công bố đã triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, không sử dụng bệnh án giấy. Trong đó có 2 Sở Y tế đã triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, không sử dụng bệnh án giấy ở tất cả các bệnh viện thuộc Sở, đó là Sở Y tế tỉnh Phú Thọ và Sở Y tế Bắc Ninh.
Thực hiện chỉ thị của Thủ tướng tại Chỉ thị số 07/CT-TTg về đẩy mạnh triển khai đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, hiện nay UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang chỉ đạo rất quyết liệt Sở Y tế triển khai hồ sơ bệnh án điện tử ở tất cả các bệnh viện thuộc thẩm quyền quản lý.
Tôi tin rằng, đến 30/9 các bệnh viện trên toàn quốc sẽ triển khai thành công hồ sơ bệnh án điện tử, không sử dụng bệnh án giấy.
Riêng về thanh toán viện phí điện tử, các cơ sở khám, chữa bệnh đã có tiến bộ vượt bậc so với 5 năm trước đây. Hiện nay, 71% cơ sở đã áp dụng thanh toán điện tử, trong đó, thông qua kết nối trực tiếp ngân hàng 31,4%, qua cổng dịch vụ công quốc gia 10,5%, các hình thức khác 15,4%; 29% tổng số các bệnh viện vẫn còn áp dụng thanh toán bằng tiền mặt.